Thân thế và cuộc sống ban đầu Tống_Thần_Tông

Tống Thần Tông bổn danh Triệu Trọng Châm (趙仲鍼), chào đời vào ngày Mậu Dần (10) tháng 4 năm thứ tám Khánh Lịch (25 tháng 5 năm 1048)[2][3] tại phủ Bộc vương. Lúc đó cha của ông, Triệu Thự vẫn chỉ là vương tử của Bộc vương Triệu Doãn Nhượng. Mẹ ông là Tuyên Nhân Thánh Liệt hoàng hậu Cao thị. Tháng 8 (ÂL) cùng năm, ông được ban tên là Trọng Châm, nhận chức Soái phủ phó soái, sau ba lần lại thăng đến chức Hữu thiên ngưu Vệ tướng quân[3].

Ngày Tân Mùi (29) tháng 3 (30 tháng 4 năm 1063), Tống Nhân Tông qua đời, Triệu Thự được chọn làm người kế nhiệm, tức là Tống Anh Tông[4]. Triệu Trọng Châm được phong làm Quan sát sứ An châu, tước Quang quốc công (光国公). Ngày Nhâm Tuất (21) tháng 5 (20 tháng 6), nhận sách ở Đông cung. Triệu Trọng Châm lúc trưởng thành đã có tướng đế vương, từng cử chỉ hành động đều có khuôn phép, chừng mực. Bản tính ông lại ham học, nhiều khi vì học nhiều quá mà quên cả bữa ăn, khiến vua cha nhiều lần sai nội thị đến nhắc nhở[3]. Tháng 9 ÂL, gia phong Tiết độ sứ Trung Vũ quân, Đồng trung thư môn hạ bình chương sự, tước Hoài Dương quận vương (淮阳郡王), cải tên là Triệu Húc.

Tháng 6 ÂL năm nguyên niên Trị Bình (1064), ông được tiến phong là Dĩnh vương (颍王). Tháng 3 ÂL năm thứ ba (1066), ông thành hôn với Hướng thị, con gái cố tướng Hướng Mẫn Trung. Từ mùa đông cùng năm, Anh Tông bắt đầu không khỏe, Dĩnh vương xin theo lệ cũ thời Nhân Tông, cứ hai ngày một lần đến Nhĩ Anh các giảng độc, để yên lòng người. Khi bệnh tình của Anh Tông trở nặng, tể tướng Hàn Kì vào thăm và xin lập Thái tử[5]. Khi ấy Anh Tông bệnh không nói được, những mệnh lệnh đều phải tự tay lấy bút mà ghi. Khi các đại thần xin lập tự, Anh Tông gật đầu rồi miên cưỡng viết tám chữ: "Lập Đại vương làm hoàng thái tử". Hàn Kỳ xin viết kĩ hơn, Anh Tông ghi thêm ba chữ Dĩnh vương Húc rồi cho phát đi. Hàn Kỳ truyền cho Trương Phương Bình đến điện Phúc Ninh thảo chiếu lập Thái tử. Khi đó Anh Tông chỉ còn đủ sức viết thêm chữ Húc rồi cho phát đi[5].

Ngày Đinh Tỵ (8) tháng 1 năm thứ tư (25 tháng 1 năm 1067), Anh Tông qua đời ở điện Phúc Ninh. Triệu Húc khi đó 20 tuổi lên nối ngôi, tức là Tống Thần Tông.